Quá Trình Phát Triển Của Lịch Sử Bóng Bàn Việt Nam
Bóng bàn là bộ môn được yêu thích bởi nhiều người hiện nay, là môn thể thao quần chúng được phát triển rộng rãi tại Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới. Nhiều người chơi bóng bàn là vậy nhưng có lẽ đa số mọi người đều không hiểu rõ về quá trình phát triển của lịch sử bóng bàn Việt Nam, hãy cùng Thể Thao Thiên Long tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
1. Nguồn gốc ra đời môn bóng bàn
Bóng bàn bắt nguồn từ đâu?
Bộ môn bóng bàn lần đầu tiên xuất hiện từ những năm của thập niên 1880 và bắt nguồn từ nước Anh. Đây là một môn thể thao dùng để giải trí sau giờ ăn tối của giới thượng lưu lúc bấy giờ. Môn thể thao này gắn liền với hình ảnh và tên tuổi của kỹ sư James Gibb. Năm 1889 ông và người thân trong gia đình đã dùng bàn ăn của gia đình mình và những chiếc vợt bằng gỗ, quả bóng lie được làm bằng chất liệu bần để giải trí và nó nhanh chóng được công chúng nước Anh chú ý thời bấy giờ.
Cũng có ý kiến cho rằng, vào cuối thế kỉ XIX ở nước Anh, khi môn quần vợt đã phát triển rộng rãi trong giới thượng lưu. Trong 1 lần có 1 giải đấu quần vợt quan trọng đang diễn ra, các trận đấu đang trong giai đoạn gay go, quyết liệt thì bỗng trời đổ mưa to, buộc cuộc đấu phải tạm hoãn, những vận động viên tham gia thi đấu phải trú mưa trong 1 căng tin gần đó. Nhưng khi trời mưa to và kéo dài, vì thế họ nghĩ ra một cách để tiếp tục trận đấu bằng cách mắc lưới giữa 2 bàn ăn rồi lấy vợt và bóng đánh qua đánh lại giữa hai cái bàn đó. Từ trò chơi này họ nghĩ ra cách thức chơi mới, đó là chơi bóng trên bàn để các nhà quý tộc có thể chơi bóng trong nhà, có thể chơi được ngay cả khi điều kiện thời tiết không tốt, bóng bàn ra đời và xuất xứ từ trò chơi này.
Lại có một ý kiến nữa cho rằng vào khoảng năm 1895, cũng với lối chơi như trên nhưng bóng được thay bằng bóng nhựa và nhỏ hơn và từ đó bóng nhựa dần dần phổ biến. Khi chơi quả bóng nhựa này va chạm vào mặt bà gỗ đã phát ra tiếng kêu “ping ping”, “pông pông” do đó còn có tên gọi mới là “ping pông”
2. Lịch sử bóng bàn thế giới
Bóng bàn bắt đầu được phát triển và phổ biến từ những năm 1900 khi các trận đấu bóng bắt đầu được tổ chức, từ đó những điều luật thi đấu đã được đặt gia và những cách thức hướng dẫn chơi cũng bắt đầu được phổ biến. Giải vô địch bóng bàn thế giới đầu tiên được tổ chức vào năm 1902 nhưng đó không phải giải đấu chính thức. Đến năm 1921 tại nước Anh khi đó Tổ chức Bóng bàn được thành lập, ngoài ra Liên đoàn Bóng bàn Thế giới, được viết tắt là ITTF cũng đã chính thức được thành lập vào năm 1926. Năm 1927 đã chính thức mở giải vô địch thế giới tại London. Bóng bàn đã được đưa vào là một trong những môn thể thao thi đấu chính thức của thế vận hội năm 1988.
Một hình ảnh quảng cáo của bàn bóng bàn những năm đầu tiên xuất hiện
Thời kỳ bóng bàn Châu Âu độc tôn
Trước những năm 50 của thế kỷ XX, các vận động viên châu Âu hầu như làm mưa làm gió, càn quét hết các giải bóng bàn thế giới, giành phần lớn ngôi vị quán quân.
Thời kỳ này, chiến thuật chủ đạo của các vận động viên chính là lấy phòng thủ làm chính, lấy phòng thủ chắc chắn làm nguyên tắc cơ bản, do vậy những trận đấu cứ phòng thủ qua lại, kéo dài, không có cao trào gây mất hứng thú của khán giả.
Để thay đổi tình trạng này thì Liên đoàn bóng bàn thế giới (ITTF) đã ra quyết định sửa đổi luật: tăng chiều rộng của bàn bóng bàn, hạ thấp chiều cao lưới, quy định thời gian thi đấu nhất định của mỗi ván đấu… Biện pháp này đã hạn chế được cách đánh phòng thủ tiêu cực, từ đó các trận đấu trở lên kịch tính hơn và tăng hứng thú cho khán giả hơn.
Thời kỳ bóng bàn Nhật đột phá
Cũng vào đầu những năm 50 của thế kỷ XX, người Nhật đã cải tiến vợt và sử dụng mặt vợt làm bằng mút xốp. Loại vợt bóng bàn này có khả năng đàn hồi và phản lực cực tốt, làm tốc độ bóng đánh đi tăng lên, rất thích hợp cho người theo lối đánh tấn công.
Vào năm 1952 vân động viên Nhật Bản đã sử dụng loại vợt này lần đầu tiên trong trận thi đấu giải vô địch thế giới. Với kỹ thuật đánh vụt bóng xa bàn kết hợp với di chuyển nhanh, nhịp nhàng đã giúp họ dễ dàng giành được 4 HCV và chuyển ưu thế môn bóng bàn từ Châu Âu về với Châu Á.
Thời kỳ bóng bàn Trung Quốc bùng nổ
Tại đất nước tỷ dân, phát triển bóng bàn đã trở thành quốc sách hàng đầu vào đầu những năm 60 của thế kỉ XX. Nhờ việc tổng kết, tích lũy kinh nghiệm, nghiêm túc học hỏi, huấn luyện các kỹ thuật cơ bản và thể lực nên trình độ của các vận động viên bóng bàn nước họ đã nhanh chóng tiến bộ vượt bậc.
Bóng bàn Đại lục nhanh chóng xuất hiện thế hệ vàng và lần lượt càn quét mọi thành trì của bóng bàn thế giới. Trung Quốc giành được ưu thế áp đảo và ngày nay họ đã trở thành một cường quốc bóng bàn được cả thế giới phải công nhận từ đó đến nay.
3. Quá trình phát triển của lịch sử bóng bàn Việt Nam
Các nước phát triển bóng bàn mạnh mẽ thì Việt Nam cũng vậy, cùng điểm qua một vài thành tựu và các danh thủ đi trước đã đạt được trong lịch sử bóng bàn Việt Nam. Có thể nói những thập kỷ trước là thời hoàng kim vủa bóng bàn Việt Nam.
Môn bóng bàn được du nhập vào Việt Nam vào khoảng những năm 1920. Tại miền bắc do các thương gia người Trung Quốc, tại miền Nam do thực dân Pháp du nhập vào, đây cũng là môn thể thao giải trí dành cho giới thượng lưu lúc bấy giờ. Đến năm 1924 bóng bàn đã phổ biến hơn, phát triển mạnh tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hài Phòng, Huế, Sài Gòn. Lúc này, những người yêu thích bóng bàn đã được thỏa lòng đam mê tại các giải bóng bàn được tổ chức theo miền là Bắc kỳ, Nam Kỳ, Trung kỳ. Lối đánh chủ yếu của thời kỳ này là sử dụng kỹ thuật cắt bóng gò lỳ, đôi khi có những pha bóng bổng thì vụt một quả, sau đó lại cắt tiếp.
– Vào tháng 3 năm 1938 có một trận thi đấu quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam giữa vận động viên Hungary (cựu vô địch bóng bàn thế giới) với 2 vận động viên Việt Nam. Trong trận đấu này, mỗi vận động viên của ta đã xuất sắc thắng được 1 ván. Sau đó đội Việt Nam đã tự tin đi Campuchia thi đấu giải vô địch bóng bàn Đông Dương. Kết quả thật bất ngờ, vận động viên Lý Ngọc Sơn đạt chức vô địch nội dung đơn nam, cặp đôi Lý Ngọc Sơn và Mai Duy Dưỡng đạt chức vô địch nội dung đôi nam. Lúc đó, môn bóng bàn đã mang lại thành tích thi đấu quốc tế sớm nhất cho thể thao Việt Nam.
– Năm 1953 tại Tokyo, Nhật Bản, đội tuyển bóng bàn Việt Nam gồm Trần Cảnh Được, Mai Văn Hòa và Nguyễn Kim Hằng xuất sắc đoạt giải đơn nam với huy chương vàng của Mai Văn Hòa, đôi nam với huy chương vàng của Trần Cảnh Được và Mai Văn Hòa, và toàn đội với huy chương bạc.
– Năm 1955 giải Á châu được tổ chức tại Singapore, tiếp tục là Trần Cảnh Được và Mai Văn Hòa mang một tấm huy chương vàng quý giá nữa vể cho đội tuyển Việt Nam ở nội dung đôi nam.
– Năm 1957 tại Manila, Philippines tranh giải Á châu, đội tuyển của Việt Nam Cộng hoà đã đồng lòng và thắng huy chương vàng toàn đội (Trần Cảnh Được, Mai Văn Hòa, Trần Văn Liễu) và một lần nữa lại thắng huy chương vàng ở nội dung đôi nam (Trần Cảnh Được và Mai Văn Hòa).
– Năm 1958 trong Á Vận Hội tại Nhật Bản, đội tuyển Việt Nam Cộng hoà đã không làm cho người hâm mộ thất vọng khi đoạt huy chương vàng toàn đội (Trần Cảnh Được, Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết).
– Năm 1959, đội tuyển Việt Nam Cộng hòa tham gia thi đấu tại Giải vô địch thế giới ở Dortmund, Tây Đức, đội tuyển nam đã xếp hạng 3 thế giới, đồng hạng với nước được đánh giá rất cao về kỹ thuật chơi trong bộ môn này, đó chính là Trung Quốc.
Một số hình ảnh của đội tuyển bóng bàn Việt Nam trong Á vận hội tại Nhật Bản năm 1958:
Vận động viên Lê Văn Triết
Vận động viên Mai Văn Hòa
Đội tuyển bóng bàn Việt Nam giành huy chương vàng
Có thể nói, ở những năm thập niên 50, các vận động viên như danh thủ Lê Văn Tiết, Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Ðược, Trần Văn Liễu… đã đưa bóng bàn Việt Nam lên một tầm cao mới, đỉnh cao nhất là một trong những cường quốc của bóng bàn thế giới.
Sau năm 1975, đất nước được giải phóng và chịu tác động từ nhiều yếu tố mà bóng bàn Việt Nam đã ngày càng yếu hơn rất nhiều và đang dần tụt hậu.
– Năm 1993, Việt Nam bắt đầu trở lại đấu trường khu vực, trong SEA Games 17 với mục tiêu học hỏi, trau dồi kinh nghiệm. Tuy nhiên đội tuyển đã rất bất ngờ khi giành được chiếc huy chương vàng ở nội dung đồng đội nữ (Trần Thu Hà và Nhan Vị Quân).
– Năm 1995, 1997, 1999, 2001 và 2003, bóng bàn Việt Nam vẫn giữ vững phong độ, đều đạt chức vô địch nội dung đơn nam Đông Nam Á trong các kỳ SEA Games
– Từ năm 2002 đến nay, với sự tiến bộ ngày càng nhanh và mạnh mẽ của các tay vợt từ các nước Indonesia, Philippines, Thái Lan, bên cạnh đó với trào lưu nhập quốc tịch cho các vận động viên Trung Quốc – một cường quốc bóng bàn thế giới – của Singapore, Malaysia đã khiến cho bóng bàn Việt Nam tụt dốc, gần như mất dần vị thế ngay cả ở đấu trường khu vực nhỏ nhất. Tại SEA Games 23 (Bacolod, Philippines), Singapore đã thống trị hầu hết các giải và Việt Nam đắng cay khi phải ra về trắng tay. Năm 2004 có một sự khởi sắc nhẹ cho bộ môn bóng bàn tại Việt Nam khi vận động viên Đoàn Kiến Quốc đã giành được chiếc vé duy nhất khu vực Đông Nam Á có cơ hội dự thế vận hội Athen, nhưng cũng không đạt được thành tích gì.
Rõ ràng để không phụ lòng người hâm mộ, môn bóng bàn Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa thì mới duy trì được những thành tích đã có, từng bước nâng cao kỹ thuật, trình độ bóng bàn nước ta sánh ngang tầm châu lục và thế giới. Để làm được điều này thì mỗi chúng ta, những con người yêu thích và có niềm đam mê với bóng bàn hãy cùng nhau chia sẻ kiến thức và tập luyện hằng ngày để cùng phát triển bộ môn bóng bàn, lấy lại thời kỹ hoàng kim như trong lịch sử bóng bàn Việt Nam chúng ta đã từng đạt được.